Cập nhật: Thứ bẩy, 01/03/2014, 08:50 GMT+7
Quy hoạch chung xây dựng huyện Văn Giang - Hưng Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt

Ngày 1 tháng 9 năm 2013, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định số 1788/QĐ - UBND về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Văn Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng

Huyện Văn Giang có diện tích 7.180,8 ha; có vị trí tại phía Tây Bắc tỉnh Hưng Yên. Đây là khu vực có lợi thế về nhiều mặt trong tỉnh Hưng Yên như: giáp thủ đô Hà Nội, quỹ đất có giá trị cao, có cảnh quan môi trường tốt, được xác định là vùng giãn dân của thủ đô Hà Nội về phía Đông. Trên địa bàn huyện đã có khoảng 350ha đất đô thị và khoảng 500 ha các dự án đô thị mới, có các tuyến giao thông đối ngoại của vùng chạy qua như: QL5A, QL5B, đường vành đai 4 Hà Nội, tạo điều kiện cho Văn Giang có khả năng phát triển đột phá về giao thông kết nối khu vực nội thành Hà Nội và toàn tỉnh Hưng Yên.

Đến năm 2030 định hướng phát triển huyện Văn Giang trở thành trọng điểm phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn; có hệ thống hạ tầng dịch vụ hiện đại và đồng bộ gắn với vùng thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên; sau năm 2020 trở thành thị xã thuộc tỉnh với tổng quy mô dân số dự báo khoảng 28 vạn người. Đây là vùng giãn dân của thủ đô Hà Nội, phát triển gắn với đô thị lõi trung tâm của thủ đô Hà Nội và các tỉnh khác theo hướng các đường vành đai 3,5 và 4.
 

Sơ đồ cấu trúc chức không gian kiến trúc cảnh quan

Cấu trúc phát triển không gian huyện (thị xã dự kiến) được kết hợp giữa mạng tam giác kết hợp mạng ô cờ; phát triển theo hướng đa cực, đa trung tâm. Theo đó các khu chức năng chính Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Các khu chức năng được thiết kế có mô hình tập trung; có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuận lợi cho phát triến kiến trúc cảnh quan và bảo vệ môi trường; kế thừa các kết quả phát triển huyện đã đạt được. Trong đó các khu đô thị được phát triển tập trung tập tại thị trấn Văn Giang và phụ cận; từng bước xây dựng khu vực nông thôn gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch và nông nghiệp hàng hoá; Chú trọng phát triển các khu dịch vụ, du lịch tại các khu vực có tiềm năng như ven sông Hồng; vùng các xã Liên Nghĩa, Mễ Sở; hạn chế phát triển khu công nghiệp; phát triển mạnh các khu canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao trên toàn bộ lãnh thổ của huyện.

Việc phát triển hệ thống hạ tầng được chú trọng các tuyến giao thông chính kết nối mạng giao thông đối ngoại liên vùng, kết nối với khu vực nội thành của thủ đô Hà Nội. Trong đó các cửa ngõ giao thông chính gồm có: đường TL195, QL5A, 5B từ Gia Lâm - Hà Nội; đường Vành đai 4 từ huyện Thanh Trì. Nhờ vào các dự án quốc gia, đến năm 2030, huỵện Văn Giang sẽ có 2 cầu lớn vượt sông Hồng sang vùng phía Nam Hà Nội. Định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn huyện (thị xã dự kiến) với tiêu chuẩn của đô thị loại III và IV. Hướng đến tính dung nạp cao, trật tự hóa cao và phân cực hóa cao đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt xã hội; gia tăng các mối quan hệ và tác động giữa huyện với các trung tâm Kinh tế - Kỹ thuật - Đô thị bên ngoài; Phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, hiện trạng và các định hướng phát triển KTXH theo từng giai đoạn.


Sơ đồ khung thíết kế đô thị tổng thể

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Văn Giang - Hưng Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Hưng Yên  phê duyệt theo quyết định số 1788/QĐ - UBND ngày 1/9/2013.

Dưới đây là hình ảnh định hướng phát triển không gian huyện Văn Giang đến năm 2030 được quy hoạch với 5 cực phát triển (cực trung tâm, cực phía Nam, cực phía Bắc, cực phía Đông, cực phía Tây), các trục phát triển chính gồm QL5B, tuyến đường 3,5 (Hà Nội), tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên và các trục khác gồm sông Hồng, sông Bắc Hưng Hải, sông Tam Bá Hiển, sông Ngưu Giang, kênh Đông, kênh Tây và các trục chính đô thị cũng là các trục cảnh quan tổ chức không gian quan trọng của mỗi khu chuyên dụng.


Sơ đồ tổ chức không gian của huyện Văn Giang
  • Đơn vị thực hiện đồ án: Trung tâm Quy hoạch - Công ty CP tư vấn và thiết kế kiến trúc Việt Nam
  • Chỉ đạo thực hiện: TS. KTS Lê Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty
  • Chủ nhiệm đồ án: KTS Đỗ Trí Phương - Giám đốc trung tâm quy hoạch
  • Chủ trì Giao thông: KS Đinh Việt Hưng
  • Chủ trì Điện:  KS Trần Gia Tiến
  • Chủ trì Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường: KS Phạm Việt Hưng
  • Quản lý dự án: THS, KS Trương Huy Đài
  • Thực hiện:  KTS Nguyễn Trường Bắc và các KTS Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Lê Thị Hồng Nhung, Hà Thị Lan Anh, Ngô Thanh Lan, Nguyễn Thị Thanh Vân, Chu Thị Hoài, Nguyễn Tuấn Đạt, Nguyễn Đức Quân, Nguyễn Đình Tuấn & các cộng sự khác thuộc Trung tâm Quy hoạch và chuyên ngành của công ty DAC.
Trung tâm Quy Hoạch

(DAC)